Ngôi trường này là 1 trong những trường ĐH đào tạo kinh tế hàng đầu cả nước, điểm chuẩn cao chót vót.
Mới đây, ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) và ngân hàng Lộc Phát Việt Nam (LPBank) đã tiến hành bổ nhiệm/tái bổ nhiệm Tổng Giám đốc mới. Đáng chú ý, cả 3 Tổng giám đốc từ các ngân hàng này bao gồm ông Lê Quang Vinh (CEO Vietcombank), ông Nguyễn Hoàng Linh (CEO MSB) và ông Vũ Quốc Khánh (CEO LPBank) đều tốt nghiệp cử nhân ĐH Kinh tế quốc dân (NEU).
Trong đó, ông Lê Quang Vinh là cựu sinh viên lớp Ngân hàng khóa 36, ngành Tài chính – Ngân hàng, ông Vũ Quốc Khánh là cựu sinh viên khóa 40 ngành Quản trị Kinh doanh.

Tân Tổng Giám đốc Vietcombank Lê Quang Vinh là cử nhân ngành Tài chính – Ngân hàng, ĐH Kinh tế quốc dân. Ảnh: VCB

CEO LPBank Vũ Quốc Khánh tốt nghiệp ngành Quản trị kinh doanh, ĐH Kinh tế quốc dân. Ảnh: LPB

CEO MSB Nguyễn Hoàng Linh tốt nghiệp ĐH Kinh tế quốc dân và là Thạc sĩ Quản trị kinh doanh, Đại học Bách Khoa Hà Nội. Ảnh: MSB
ĐH Kinh tế quốc dân là một trong những trung tâm đào tạo và bồi dưỡng cán bộ quản lý Kinh tế và Quản trị kinh doanh lớn nhất cả nước, nằm trong nhóm các trường đại học, học viện trọng điểm của Việt Nam. Nổi tiếng với chất lượng đào tạo và là “bệ phóng” của nhiều doanh nhân thành công, giữ các vị trí lãnh đạo trong các doanh nghiệp, ngân hàng nên NEU còn được mệnh danh là “ông lớn đào tạo kinh tế miền Bắc”, “Stanford Việt Nam”.

“Vua thép” Trần Đình Long là 1 trong những cựu sinh viên tiêu biểu của ĐH Kinh tế quốc dân. Ảnh: Việt Hùng
Ngôi trường đào tạo đa ngành, điểm chuẩn cao chót vót
ĐH Kinh tế quốc dân có 3 trường thành viên là Trường Kinh tế, Trường Kinh doanh và Trường Khoa học công nghệ. Theo đề án tuyển sinh năm 2025, ĐH Kinh tế quốc dân dự kiến tuyển sinh 73 mã ngành/chương trình với có 89 chương trình đào tạo, thuộc nhiều lĩnh vực như kinh doanh và quản lý, pháp luật, công nghệ thông tin, truyền thông, môi trường…
Trong 5 năm gần đây, điểm chuẩn của trường đều lấy từ ngưỡng 26 điểm trở lên. Các ngành hot được nhiều thí sinh đăng ký bao gồm ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng – giữ ngôi vương điểm chuẩn năm 2020 và 2021 (28-28,3 điểm), ngành Quan hệ công chúng – ngành có điểm chuẩn cao nhất 2022 và 2024 (28,18-28,6 điểm), ngành Thương mại điện tử, Marketing, Tài chính – Ngân hàng,… đều lấy điểm chuẩn cao chót vót 27-28 điểm. Kinh doanh quốc tế, Quản trị kinh doanh và Kế toán là những ngành duy trì mức độ cạnh tranh cao qua nhiều năm. Thí sinh muốn đỗ vào các ngành hot tại NEU cần trung bình 9-9,5 điểm/môn.


ĐH Kinh tế quốc dân nổi tiếng với chất lượng cơ sở vật chất hiện đại, đặc biệt là công trình Toà nhà thế kỷ. Ảnh: Thảo Quyên
Nhóm các ngành có điểm chuẩn dễ thở hơn nằm ở các ngành Quản lý công và Chính sách, Kinh tế nông nghiệp, Quản lý đất đai, Kinh tế học tài chính, Định phí Bảo hiểm và Quản trị rủi ro…
Theo đề án tuyển sinh năm 2024 của trường, nhiều ngành có tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm ở ngưỡng 95-100% như Thương mại điện tử, Quan hệ công chúng, Kế toán, Marketing, Quản trị kinh doanh,…. Báo cáo tình hình việc làm của sinh viên NEU tốt nghiệp năm 2023 cho thấy tỷ lệ sinh viên có việc làm đạt trên 96%, trong đó 3 ngành đạt tỷ lệ 100% sinh viên có việc làm sau 1 năm bao gồm ngành Luật, Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng và Quản lý tài nguyên – môi trường.
Học phí hệ chính quy chương trình chuẩn năm học 2025 – 2026 theo ngành/chương trình học khoảng từ 18 – 25 triệu đồng/năm học. Đối với các chương trình đào tạo tiên tiến, chất lượng cao, học bằng tiếng Anh có mức học phí dao động từ 41 triệu đến 80 triệu đồng/năm.
(Tổng hợp)
Đời sống Pháp luật