Doanh nghiệp tư nhân vẫn phụ thuộc chủ yếu vào vốn vay ngân hàng với lãi suất cao, trong khi thị trường chứng khoán chưa thực sự hấp dẫn đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Cải tổ thị trường vốn là điều cấp thiết để giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn dễ dàng.
Doanh nghiệp Việt chậm lớn do thiếu vốn
Theo thống kê, trong số 940.000 doanh nghiệp đang hoạt động, phần lớn vẫn là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, trong khi số lượng doanh nghiệp cỡ vừa còn hạn chế. Hiện nay, xấp xỉ 97% doanh nghiệp khu vực tư nhân trong nước có quy mô siêu nhỏ và nhỏ. Các doanh nghiệp lớn chỉ chiếm 1,5% tổng số.
Đáng chú ý, các doanh nghiệp quy mô vừa chỉ chiếm 1,5% tổng doanh nghiệp, tạo ra cơ cấu doanh nghiệp “bất thường” khi so sánh với cơ cấu của khu vực doanh nghiệp khác như tại Nhật Bản, Đài Loan và Hàn Quốc.
Doanh nghiệp Việt chậm lớn do thiếu vốn.
Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng doanh nghiệp “chậm lớn” là do các doanh nghiệp thiếu vốn đầu tư, thiếu khả năng tiếp cận nguồn tín dụng dài hạn và các quỹ đầu tư hỗ trợ phát triển.
Bà Vũ Thị Vân Phương, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vietrap Đầu tư và Thương mại, chia sẻ câu chuyện đầy trăn trở về hành trình 7 năm gắn bó với ngành nông nghiệp. Mặc dù công ty đã đạt được những thành công đáng kể, xuất khẩu thành công các sản phẩm như cà rốt sang Dubai và Hàn Quốc, trà hoa thảo mộc sang Pháp, nhưng việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng vẫn là một bài toán khó.
“Có người bảo chúng tôi giỏi quá, nhưng thực ra chúng tôi thấy buồn vì bị ngân hàng ‘chê’ do không có tài sản đảm bảo nên khó vay”, bà Phương bày tỏ.
Câu chuyện của Vietrap cho thấy, dù doanh nghiệp có tiềm năng và thành tích xuất khẩu, nhưng vẫn gặp rào cản lớn trong việc tiếp cận vốn vay, một yếu tố then chốt cho sự phát triển và mở rộng quy mô.
Thực tế hiện nay, tuy hạn mức tín dụng của ngân hàng đã nới thoải mái nhưng điều kiện còn “cũ”, tiếp cận còn khó. Các ngân hàng thương mại cần mở thoáng hơn về hệ thống điều kiện cho vay, chấp nhận các hình thức như cho vay tín chấp trên cơ sở đơn hàng xuất khẩu hoặc cho vay tín chấp trên cơ sở bảo lãnh thanh toán của nhà nhập khẩu… Như vậy, sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tự tin đầu tư, mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Từ thực tế tiếp xúc với doanh nghiệp, ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam khẳng định doanh nghiệp tư nhân vẫn phụ thuộc chủ yếu vào vốn vay ngân hàng với lãi suất cao, trong khi thị trường chứng khoán chưa thực sự hấp dẫn đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
“Việt Nam dù đứng thứ ba Đông Nam Á về đầu tư khởi nghiệp nhưng vẫn thiếu hụt các quỹ đầu tư mạo hiểm đủ mạnh để cung ứng vốn cho doanh nghiệp”, ông Tuấn nói.
Phải cải tổ thị trường vốn
Ông Đậu Anh Tuấn cho rằng, cần thành lập quỹ chuyên biệt hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, mở rộng thị trường trái phiếu doanh nghiệp, xây dựng quỹ Pre-IPO và quỹ quốc gia về khởi nghiệp, đồng thời thiết lập một sàn chứng khoán riêng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa để tăng cường huy động vốn một cách hiệu quả hơn.
Các chuyên gia cho rằng phải cải tổ thị trường vốn.
Cùng với đó, cần thu hẹp khoảng cách ưu đãi giữa doanh nghiệp tư nhân với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp nhà nước, đồng thời áp dụng các chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, tiếp cận đất đai và tín dụng với lãi suất thấp cho những doanh nghiệp tư nhân quy mô lớn trong các ngành mũi nhọn. Đặc biệt, cần tạo ra một “hành lang đỏ” cho các doanh nghiệp tư nhân quan trọng, với cam kết ổn định về pháp lý, tài chính và ưu đãi dài hạn.
Để giúp doanh nghiệp vươn mình ra biển lớn, cần tận dụng tối đa các FTA và hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ tham gia các hội chợ quốc tế nhằm xây dựng thương hiệu. Đồng thời, phải phát triển mạnh chuỗi phân phối nội địa và thúc đẩy sự đồng hành của chính phủ trong việc nâng tầm thương hiệu quốc gia.
Ứng dụng khoa học công nghệ và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cũng là những yếu tố quan trọng. Doanh nghiệp cần được hỗ trợ để ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn và công nghệ sản xuất thông minh. Việc ưu đãi thuế và vốn cho các doanh nghiệp đầu tư vào R&D, AI cần được đẩy mạnh. Song song đó, hệ thống đào tạo cần tập trung vào các lĩnh vực STEM, công nghệ và kỹ thuật, đồng thời tăng cường sự gắn kết giữa doanh nghiệp với các trường đại học và viện nghiên cứu để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
“Với những giải pháp toàn diện này, Việt Nam có thể tạo ra bước ngoặt cho khu vực doanh nghiệp tư nhân, giúp khu vực này thực sự trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng, đổi mới và hội nhập trong giai đoạn phát triển mới”, ông Đậu Anh Tuấn nhấn mạnh.
PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân, Đại học Kinh tế TP. HCM cho rằng, việc cải tổ thị trường vốn là điều cấp thiết để giúp nền kinh tế Việt Nam phát triển bền vững. Và đây cũng là cách giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn dễ dàng.
“Dồn tổng lực cho thị trường trái phiếu, phát triển Fintech và xây dựng trung tâm tài chính quốc tế là những bước đi then chốt để tái cấu trúc hệ thống tài chính Việt Nam. Nếu thực hiện hiệu quả, Việt Nam không chỉ có một hệ thống tài chính cân bằng hơn, mà còn tạo ra một môi trường thuận lợi để doanh nghiệp tiếp cận vốn với chi phí hợp lý. Điều này sẽ mở ra một kỷ nguyên tăng trưởng kinh tế bền vững, tạo tiền đề vững chắc cho sự phát triển dài hạn của đất nước”, ông Huân nhấn mạnh.
Đáng chú ý, để giảm rủi ro cho nhà đầu tư và tăng tính hấp dẫn của thị trường trái phiếu, Việt Nam nên áp dụng mô hình bảo hiểm trái phiếu, tương tự như bảo hiểm tiền gửi đối với ngân hàng. Cơ chế bảo hiểm trái phiếu sẽ tạo ra một lớp bảo vệ cho nhà đầu tư, giúp họ yên tâm hơn khi đầu tư vào thị trường trái phiếu.
Cùng với đó, cần có các chính sách ưu đãi về thuế và hỗ trợ pháp lý để thu hút đầu tư vào lĩnh vực Fintech, tạo thêm nhiều lựa chọn tài chính ngoài hệ thống ngân hàng truyền thống. Điều này sẽ giúp thị trường tài chính trở nên đa dạng và phong phú hơn, tăng tính cạnh tranh và hiệu quả.
Nguồn tin bài: https://vietnamfinance.vn/cai-to-thi-truong-von-de-dn-bot-le-thuoc-vao-tin-dung-ngan-hang-d124516.html