Không được trả lại tiền cọc, người phụ nữ Trung Quốc phải nhờ pháp luật vào cuộc.
Ngày 3 tháng 6 năm 2020, chị Lý (40 tuổi) đã ký hợp đồng thuê lại căn nhà ở thành phố Hải Khẩu, tỉnh Hải Nam, Trung Quốc của cô Lưu với giá 2.000 NDT/ tháng (khoảng 7 triệu đồng) và đặt cọc 4.000 NDT (khoảng 14 triệu đồng). Trong hợp đồng thuê nhà quy định, nếu một trong hai bên muốn chấm dứt hợp đồng thì phải báo cho đối phương trước 20 ngày và có trách nhiệm bồi thường thiệt hại bằng tiền cọc nhà. Sau khi hợp đồng được ký kết, chị Lý lập tức chuyển đến sống.
Đến ngày 26 tháng 4 năm 2021, chị Lý đã đề xuất gia hạn thêm một năm thuê nhà và được cô Lưu đồng ý. Đến ngày 15 tháng 6 năm 2021, chị Lý đã thanh toán cho cô Lưu 6 tháng tiền thuê nhà tiếp theo bằng phương thức chuyển khoản ngân hàng. Tổng cộng số tiền mà cô Lưu nhận được là 12.000 NDT (khoảng 42 triệu đồng).
Ngày 7 tháng 9 năm 2021, gia đình cô Lưu thông báo cho chị Lý việc lấy lại nhà để rao bán. Như vậy, chị Lý sẽ phải trả nhà trước ngày 6 tháng 10 năm 2021. Cô Lưu còn khẳng định ‘‘sẽ bồi thường việc vi phạm hợp đồng’’.
Ngày 20 tháng 9 năm 2021, sau khi chị Lý chuyển đồ đạc xong xuôi, cô Lưu cho biết sẽ hoàn trả 3 tháng tiền thuê nhà còn lại (từ tháng 10 đến tháng 12 năm 2021) là 6.000 NDT. Còn tiền đặt cọc 4.000 NDT sẽ được thanh toán sau vì gia đình đang bí tiền. Chị Lý nghe xong cũng vô cùng hoan hỉ, đồng ý cho cô Lưu trả tiền cọc thành 2 đợt là ngày ngày 10 tháng 10 và 20 tháng 10 năm 2021.

Chị Lý đã chuyển đi và trả nhà sớm hơn lịch hẹn của cô Lưu. Tuy nhiên, chị vẫn chưa được hoàn trả tiền đặt cọc. Ảnh minh họa.
Tuy nhiên, đến cuối ngày 10 tháng 10 năm 2021, không thấy cô Lưu nhắn tin trả tiền, chị Lý liền gọi lại để hỏi chuyển. Lúc này, cô Lưu lại xin lùi lịch thanh toán tiền cọc vào ngày 10 tháng 11 và 20 tháng 11 năm 2021, sau đó nhiều lần từ chối cuộc gọi đến từ chị Lý.
Cho rằng cô Lưu cố ý không hoàn trả tiền cọc và có thái độ trốn tránh, chị Lý đã nhờ pháp luật vào cuộc để đòi quyền lợi cho bản thân. Phía cô Lưu khẳng định bản thân không có ý định chiếm đoạt số tiền đặt cọc 4.000 NDT của chị Lý, mà chỉ cần thêm thời gian để sắp xếp tiền hoàn trả. Tuy nhiên, chị Lý vẫn kiên quyết yêu cầu bị đơn phải hoàn trả lập tức số tiền 4.000 NDT vì hành vi vi phạm hợp đồng, cùng như chi trả các chi phí liên quan, bao gồm phí thụ lý vụ án, phí lưu giữ và phí thông báo.
Tiếp nhận đơn kiện, tòa án thành phố nhanh chóng tiến hành thụ lý. Họ cho biết đây là tranh chấp thường gặp trong mối quan hệ thuê và cho thuê nhà ở.
Qua thông tin từ hàng xóm, chị Lý được biết cô Lưu đã hoàn tất việc bán nhà và thu về một khoản tiền lớn. Ngoài ra, cô này còn thoải mái mua sắm đồ đạc, quần áo và đi du lịch với bạn bè. Nhưng khi chị Lý yêu cầu hoàn tiền cọc, cô Lưu lại liên tục lùi lịch hẹn và từ chối cuộc gọi đến. Điều này cho thấy bị đơn không có thiện chí trả 4.000 NDT tiền đặt cọc cho nguyên đơn.

Chị Lý đã kiện cô Lưu ra tòa vì không hoàn trả 4.000 NDT tiền đặt cọc thuê nhà. Ảnh minh họa.
Tòa án nhận định, cô Lưu đã thông báo việc lấy lại nhà cho chị Lý trước nhiều ngày. Thế nhưng, việc lấy lại nhà trước khi kết thúc thời hạn thuê cho thấy cô này là bên muốn chấm dứt hợp đồng trước. Vì vậy, cô Lưu phải thực hiện đúng các điều khoản đã ký kết với chị Lý trong hợp đồng thuê nhà. Cụ thể là việc hoàn trả 4.000 NDT tiền đặt cọc vì đã thu hồi nhà trước thời hạn.
Cuối cùng, tòa án ra phán quyết theo đúng luật định: Bị đơn là cô Lưu phải trả cho nguyên đơn số tiền đặt cọc là 4.000 NDT và các khoản chi phí phát sinh trong vòng 10 ngày kể từ ngày bản án này có hiệu lực.
Sau phiên tòa, cả cô Lưu và chị Lý đều chấp thuận với phán xét của tòa và không bên nào kháng cáo.
Theo Toutiao
Đời Sống Pháp Luật