Sự bùng nổ của thương mại điện tử đã đặt ra câu hỏi liệu nhu cầu thuê mặt bằng bán lẻ có bị ảnh hưởng đáng kể hay không?

Thị trường thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam đang chứng kiến sự tăng trưởng ấn tượng trong những năm gần đây. Năm 2024, quy mô thị trường ước tính đạt trên 25 tỷ USD, tăng 20% so với năm 2023, chiếm khoảng 9% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.
Các sàn TMĐT phổ biến như Shopee, TikTok Shop, Lazada, Tiki và Sendo tiếp tục mở rộng hoạt động, đáp ứng nhu cầu mua sắm trực tuyến ngày càng tăng của người tiêu dùng. Dự báo đến năm 2030, thị trường TMĐT Việt Nam có thể đạt 63 tỷ USD, duy trì tốc độ tăng trưởng trung bình hơn 19% mỗi năm, vượt Thái Lan và đứng thứ hai khu vực sau Indonesia.
Tuy nhiên, sự tăng trưởng mạnh mẽ của TMĐT đặt ra câu hỏi liệu nhu cầu thuê mặt bằng bán lẻ có bị ảnh hưởng đáng kể hay không?
Bàn về ảnh hưởng của thương mại điện tử đối với nhu cầu thuê mặt bằng bán lẻ, bà Hoàng Nguyệt Minh, Giám đốc Cấp cao, Bộ phận Cho thuê Thương mại tại Savills Hà Nội, nhận định rằng thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn còn khá non trẻ, chưa đủ để chịu tác động đáng kể từ thương mại điện tử.
Theo bà Minh, hiện tại, các nền tảng thương mại điện tử đang có doanh thu khả quan từ các thương hiệu nội địa và hộ kinh doanh nhỏ lẻ. Trong khi đó, các thương hiệu bán lẻ quốc tế khi mở rộng hoạt động tại Việt Nam vẫn ưu tiên việc phát triển hệ thống cửa hàng vật lý, đặc biệt là các cửa hàng flagship, nhằm xây dựng nhận diện thương hiệu trước khi đẩy mạnh kinh doanh trực tuyến. Vì vậy, việc các doanh nghiệp, đặc biệt là thương hiệu nước ngoài từ bỏ hoàn toàn mặt bằng truyền thống để chuyển hẳn sang thương mại điện tử chưa phải là xu hướng chủ đạo. Trong vòng 5 năm tới, TMĐT vẫn chưa thể làm suy giảm đáng kể nhu cầu thuê mặt bằng bán lẻ tại Việt Nam.
Dù vậy, thị trường hiện vẫn đối mặt với một thách thức lớn: nguồn cung mặt bằng chất lượng cao, đặc biệt là các trung tâm thương mại đạt chuẩn quốc tế, còn khá hạn chế. So với các nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore hay Malaysia, Việt Nam vẫn còn khiêm tốn về quy mô, chất lượng và trải nghiệm bán lẻ. Trong 5 năm qua, nguồn cung mặt bằng bán lẻ tại Hà Nội chỉ tăng trưởng trung bình 3% mỗi năm. Điều này khiến thị trường hiện vẫn nghiêng về phía bên cho thuê, khi số lượng trung tâm thương mại được đầu tư bài bản còn ít, trong khi nhu cầu thuê từ các thương hiệu quốc tế lại ngày càng gia tăng.
Tuy nhiên, trong giai đoạn từ nay đến năm 2027, triển vọng thị trường khá tích cực khi nhiều dự án mới, đạt tiêu chuẩn quốc tế, sẽ đi vào hoạt động. Riêng tại Hà Nội, đến cuối năm 2025, thị trường dự kiến sẽ bổ sung thêm 140.700 m2 mặt bằng bán lẻ từ bốn trung tâm thương mại và ba khu khối đế bán lẻ. Giai đoạn 2026-2027 sẽ có thêm 174.100 m2 sàn cho thuê từ bảy dự án lớn, đáng chú ý là Ha Noi Centre tại 175 Nguyễn Thái Học và Starlake B1CC1 & B1CC2. Trong khi đó, TP.HCM cũng sẽ chào đón 12 dự án mới với tổng diện tích 165.429 m2, tương ứng với mức tăng trưởng 3% mỗi năm trong giai đoạn 2025-2027.
Bà Minh đánh giá Việt Nam đang trở thành một trong những thị trường bán lẻ tiềm năng nhất Đông Nam Á, nhờ lực lượng dân số trẻ và tầng lớp trung lưu ngày càng mở rộng. Để tận dụng lợi thế này, thị trường cần tiếp tục đầu tư vào cơ sở hạ tầng, mở rộng nguồn cung mặt bằng chất lượng cao và nâng cao trải nghiệm mua sắm. Việc kết hợp linh hoạt giữa các kênh bán lẻ truyền thống và trực tuyến sẽ giúp các thương hiệu khai thác tối đa tiềm năng thị trường.
Báo cáo của Savills cho biết, thị trường bất động sản bán lẻ tại TP.HCM và Hà Nội trong năm 2024 ghi nhận sự tăng trưởng ổn định, thu hút các nhà đầu tư và người mua.

Tình hình hoạt động của thị trường bán lẻ tại Hà Nội Q4/2024. Nguồn: Savills.
Tính đến quý IV/2024, tổng nguồn cung bán lẻ tại TP.HCM đạt 1,6 triệu m² diện tích cho thuê thuần (NLA), tăng 1% so với quý trước và 6% so với cùng kỳ năm trước. Nguồn cung mới chủ yếu tập trung ở khu vực ngoài trung tâm thành phố nhờ quỹ đất lớn và gia tăng đô thị hóa.
Trong khi đó, tổng nguồn cung bán lẻ tại Hà Nội duy trì ổn định và tăng 2% so với năm 2023, nhờ vào sự bổ sung của ba khối đế bán lẻ mới: Heritage West Lake, Taisei Square và Grand Terra, trong khi diện tích bán lẻ của tòa nhà The West bị loại bỏ.
Trong 5 năm qua, nguồn cung bán lẻ tại Hà Nội tăng trung bình 3% mỗi năm. Các trung tâm thương mại tiếp tục chiếm ưu thế với tỷ trọng 63%, trong khi khối đế bán lẻ chiếm 17% và trung tâm bách hóa chiếm 3%.