Nhà ở xã hội được Nhà nước hỗ trợ một phần chi phí để giảm giá thành, nhưng không đồng nghĩa với việc có thể cắt giảm tiêu chuẩn chất lượng, đại diện Bộ Xây dựng nhấn mạnh.

Theo Bộ Xây dựng, suất đầu tư nhà ở xã hội dạng chung cư dưới 20 tầng dao động từ 5,6 – 8,8 triệu đồng/m2, với mức chênh lệch giữa các vùng lên tới 10%. Tuy nhiên, giá bán thực tế trên thị trường có sự chênh lệch lớn, đặc biệt tại các thành phố lớn.
Tại Hà Nội, năm 2023, dự án nhà ở xã hội NHS lập đỉnh với mức 19,5 triệu đồng/m2, nhưng mới đây, dự án Udic Hạ Đình đã vượt lên 25 triệu đồng/m2. Khu vực ngoại thành như Đông Anh, dự án Thăng Long Green City dự kiến có giá 18,4 triệu đồng/m2. Trong khi đó, tại Bắc Ninh, các dự án nhà ở xã hội mở bán với mức cao nhất khoảng 15,6 triệu đồng/m2, còn tại Thanh Hóa, một số dự án đã vượt mức 20,65 triệu đồng/m2.
So với 5 – 6 năm trước, khi giá nhà ở xã hội tại Hà Nội chỉ từ 12 – 15 triệu đồng/m2, thậm chí có những dự án chỉ 8 triệu đồng/m2 như tại Ngô Thì Nhậm (Hà Đông) hay Đặng Xá (Gia Lâm), mức giá hiện nay đã tăng đáng kể.
Lý giải về điều này, tại tọa đàm với chủ đề: “Giải pháp đảm bảo có ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội” do báo Dân Việt tổ chức, ông Chử Văn Hải, Trưởng phòng Phát triển và Quản lý nhà ở xã hội, Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) đã cho biết, giá bán nhà ở xã hội chịu sự tác động của nhiều yếu tố, từ quy định pháp luật đến chi phí đầu tư thực tế.
Theo quy định, giá bán nhà ở xã hội được xác định dựa trên các yếu tố như chi phí đầu tư xây dựng, thiết kế, dự toán, nhân công và vật liệu đầu vào. Dù là phân khúc nhà ở dành cho người thu nhập thấp, nhưng tiêu chuẩn chất lượng không có sự khác biệt so với nhà ở thương mại. Các dự án nhà ở xã hội vẫn phải đảm bảo hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, cũng như các tiêu chí về văn hóa, thể thao.
“Nhà ở xã hội được Nhà nước hỗ trợ một phần chi phí để giảm giá thành, nhưng không đồng nghĩa với việc có thể cắt giảm tiêu chuẩn chất lượng. Các yêu cầu về thiết kế, vật liệu, kiểm soát chất lượng đều phải đáp ứng theo quy chuẩn chung”, ông Hải nhấn mạnh.
Giải thích về sự khác biệt giá bán nhà ở xã hội giữa các khu vực, ông Hải cho biết, giá thành phụ thuộc nhiều vào chi phí đầu tư thực tế của từng dự án. Các yếu tố như thiết kế thấp tầng hay cao tầng, phương thức thi công truyền thống hay lắp ghép đều có mức giá khác nhau. Đặc biệt, trong bối cảnh chi phí nhân công, giá vật liệu xây dựng liên tục tăng, giá bán nhà ở xã hội cũng có xu hướng tăng theo.
“Nếu trước đây, giá bán nhà ở xã hội thường dưới 20 triệu đồng/m2, thì nay đã tăng do chi phí đầu vào tăng. Việc giá nhà có sự chênh lệch giữa các địa phương cũng xuất phát từ sự khác nhau về giá đất, chi phí xây dựng, cũng như chính sách hỗ trợ của từng tỉnh, thành phố”, ông Hải phân tích.
Về kế hoạch phát triển nhà ở xã hội, ông Hải cho biết hiện cả nước đang triển khai các dự án với quy mô khoảng 600.000 căn hộ. Chính phủ cũng đã có nhiều động thái quyết liệt nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đồng thời đẩy mạnh nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực này.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu thành lập các Ban chỉ đạo về xây dựng nhà ở xã hội, đồng thời xem xét việc thành lập Quỹ phát triển nhà ở nhằm tạo thêm nguồn lực tài chính. Một số địa phương như Hải Phòng đã hoàn thành vượt mục tiêu đề ra, cho thấy sự khả thi của kế hoạch phát triển 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội đến năm 2030.
Với quyết tâm từ Chính phủ và sự tham gia tích cực của các địa phương, mục tiêu hoàn thành nhà ở xã hội theo kế hoạch hoàn toàn có thể đạt được. Tuy nhiên, để kiểm soát giá nhà hợp lý và đảm bảo quyền lợi cho người thu nhập thấp, cần có sự giám sát chặt chẽ về chi phí đầu tư và chính sách hỗ trợ phù hợp tại từng khu vực.