Thế giới đang ngày càng coi thứ này là nguồn tài nguyên quý giá cần tích cực khai thác. Trong khi đó, nhiều người Việt Nam lại đang vứt bỏ.
Đối với không ít người Việt, rác là thứ bỏ đi, khi không cần đều ném vào thùng rác.
Chị N.T.Đ (sống tại Hà Đông, Hà Nội) cho biết, gia đình chị có 4 người, gồm 2 vợ chồng và con nhỏ. Lượng rác thải sinh hoạt trong gia đình cũng rất lớn, bao to, bao nhỏ vào cuối ngày. Chị Đ cho biết rác sinh hoạt của gia đình chị rất đa dạng, gồm thức ăn từ, rau, củ, vỏ quả, túi nilon, lon bia, rác thải nhựa… Tất cả các loại rác này chị Đ đều cho chung vào túi và mang ra thùng rác.
Không chỉ chị Đ mà hiện nay, việc phân loại rác từ nguồn vẫn chưa được nhiều người để ý tới.

Thùng rác nhà chị Đ gom chung chưa có sự phân loại (Ảnh: N.M).
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, chuyên gia Công nghệ Thực phẩm cho biết, rác thay vì vứt bỏ thì có thể được tái chế để phục vụ cho cuộc sống con người. Điều này không những giúp bảo vệ môi trường mà còn mang lại lợi ích lớn về kinh tế.
Ở một số nơi trên thế giới, như tại Neustadt an der Weinstrasse của Đức, người dân đã phân loại rác từ những năm 1980. Người bản địa coi trọng việc tái chế rác thải tới mức có cả một điểm tái chế dành riêng cho động vật chết, với các khu vực đông lạnh để bảo quản xác động vật. Đây là nguồn tài nguyên chất béo rất kinh tế.
Tại một số nơi trên thế giới rác thải nhựa cũng được thu gom để tái chế thành sợi làm quần áo.
Theo ông Thịnh, một số quốc gia đã nhìn thấy lợi ích của việc tái chế rác thải, ngày càng có xu hướng coi rác thải là nguồn tài nguyên quý giá. Việc phân loại rác ngày càng được chú trọng, cùng với các quy trình tái chế rác được nâng cao đã và đang mang đến những nhận thức mới về rác thải.
Tại Việt Nam, tài nguyên từ rác vẫn chưa được nhận thức đúng mức. Chúng ta đã có chiến lược phát động phân loại rác thải tại nguồn. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thấy hiệu quả, ông Thịnh nói.
Phân loại rác có ý nghĩa ra sao?
PGS Nguyễn Duy Thịnh cho biết: “Việc phân loại rác thải sẽ tận dụng tài nguyên để tái chế, giảm ô nhiễm môi trường. Tâm lý của người Việt hiện nay là cứ rác là vứt đi, khiến ‘chảy máu’ tài nguyên rất lớn”.

Hành động ném rác xuống sông gây ô nhiễm dòng chảy.
Rác tuỳ theo mức phân loại hoàn toàn có thể tái sử dụng, sống thêm một vòng đời mới, ví như:
– Rác hữu cơ: Cây, cỏ, xác động vật… có thể tái chế thành phân bón.
– Rác tái chế: Các loại rác thải như nhựa, chất dẻo có thể tái sử dụng được thành các vật dụng sử dụng trong gia đình. Ví như, chai nhựa vứt đi thu gom xử lý nhựa đó có thể dùng làm ghế, bàn (không dùng cho ăn uống)…; Rác thải kim loại như sắt, nhôm… có thể tái chế thành các dụng cụ.
– Rác vô cơ không thể tái chế (cát, sỏi, đá)… có thể sử dụng trong san lấp chỗ trũng, đường…
Theo số liệu của Liên hợp quốc, mỗi năm trên Trái đất sẽ có khoảng 11 tỷ tấn chất thải rắn được tạo ra, đóng góp vào khoảng 5% tổng lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu.
Đối với rác thải hữu cơ, nếu không xử lý tốt cũng gây ra ô nhiễm, bệnh tật, ông Thịnh cho hay.
PGS.TS Thịnh nhận định: “Tái chế rác không chỉ có ý nghĩa về mặt môi trường mà còn cả về kinh tế. Do đó việc phân loại từ nguồn có ý nghĩa rất lớn để tận dụng tài nguyên từ rác hiệu quả. Tuy nhiên, có một nhược điểm là người dân có phân loại rác nhưng xe thu gom rác lại trộn làm một”.
Rác thải ở Việt Nam hiện đang được xử lý bằng năm phương pháp chính: Chôn lấp, tái chế, thiêu hủy, đốt chất thải rắn để phát điện, khí hóa.
Để giải quyết vấn đề phân loại rác nhằm tránh lãng phí tài nguyên, vị chuyên gia cho rằng cần có thêm các nhà máy xử lý rác. Tại nhà máy rác sẽ được phân loại để tái sử dụng và tạo ra kinh tế. Người dân có ý thức phân loại rác từ nguồn để đảm bảo cho việc tái chế. Việc thu gom rác cũng cần thay đổi, xe thu gom cần có chức năng phân loại các loại rác riêng biệt.
Đời sống & pháp luật