Ngoài số vốn tự có, hầu hết các doanh nghiệp đều hướng đến các nguồn vốn bên ngoài như vốn vay các ngân hàng, tổ chức tín dụng và vốn huy động.
Khi thị trường bất động sản có những chuyển biến mới thì câu chuyện cũ về huy động vốn của chủ đầu tư được quan tâm trở lại, cũng là nỗi bất an của khách hàng.
Ngày 25/03/2025, Thanh tra tỉnh Quảng Nam ban hành Kết luận thanh tra về việc chấp hành quy định pháp luật của chủ đầu tư đối với dự án: Khu dân cư số 1 phường Điện An, thị xã Điện Bàn do Công ty TNHH Sản xuất – thương mại – dịch vụ Thiện Vỹ làm chủ đầu tư; Khu dân cư và dịch vụ Cầu Hưng – Lai Nghi (giai đoạn 1), phường Điện Nam Đông, thị xã Điện Bàn do Công ty cổ phần Đầu tư nông nghiệp Sài Gòn Thành Đạt làm chủ đầu tư; Khu đô thị Viêm Minh – Hà Dừa, phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn do Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng Điện Bàn làm chủ đầu tư.
Theo kết quả thanh tra, đối với dự án Khu dân cư số 1, phường Điện An thì Công ty thực hiện việc huy động vốn bằng hình thức ký kết hợp đồng góp vốn đối với 50 khách hàng với 64 lô đất, tổng số tiền gần 25 tỷ đồng, và ký Hợp đồng môi giới và tiếp thị độc quyền với Công ty TNHH Địa ốc Minh Trần thực hiện dịch vụ môi giới và tiếp thị độc quyền sản phẩm với 40 lô đất là không đúng quy định.
Còn đối với dự án Khu dân cư và dịch vụ Cầu Hưng – Lai Nghi (giai đoạn 1), Công ty Sài Gòn Thành Đạt đã thực hiện việc huy động vốn bằng hình thức Hợp đồng vay vốn có thời hạn không lãi suất kết hợp với thoả thuận đăng ký vị trí và đơn giá đất sẽ chuyển nhượng là không đúng quy định tại Nghị định số 99/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở.
Một góc dự án Khu dân cư và dịch vụ Cầu Hưng – Lai Nghi (Ảnh: Nguoiduatin.vn)
Đối với dự án Khu đô thị Viêm Minh – Hà Dừa, thì Công ty Điện Bàn thực hiện việc huy động vốn bằng hình thức có thời hạn không lãi suất với Công ty cổ phần Đầu tư kinh doanh Phú Gia Thịnh với nội dung thoả thuận có số ký hiệu lô đất, diện tích đất theo quy hoạch chi tiết được phê duyệt và đơn giá đất sẽ chuyển nhượng cũng là không đúng quy định.
Quay ngược về thời gian trước, thị trường bất động sản Quảng Nam – Đà Nẵng luôn được ví là năng động nhất khu vực miền Trung, luôn trong tình trạng “nóng sốt”. Lúc bấy giờ, các doanh nghiệp thành lập mới như “nấm mọc sau mưa”, hàng loạt dự án quy mô được chấp thuận chủ trương đầu tư, chủ đầu tư cũng triển khai thi công rầm rộ, mở bán “tưng bừng”. Đặc biệt là khu vực giáp ranh giữa hai địa phương.
Tuy nhiên, để hoàn thiện một dự án thì không phải chủ đầu tư nào cũng đủ “lực” để triển khai. Ngoài số vốn tự có, hầu hết các doanh nghiệp đều hướng đến các nguồn vốn bên ngoài như vốn vay các ngân hàng, tổ chức tín dụng và vốn huy động.
Nhanh nhất, các chủ đầu tư đều “ưu tiên” lựa chọn vốn huy động từ nhà đầu tư, khách hàng với “độc chiêu” bán đất trên giấy. Chỉ từ hồ sơ dự án và bảng quy hoạch chi tiết, các chủ đầu tư đã bắt đầu giao sản phẩm thiết kế để các sàn giao dịch, môi giới tìm kiếm khách hàng và nhận đặt cọc, đặt chỗ, thậm chí bán sản phẩm. Hệ lụy bắt đầu từ đây!
Có thể nhắc đến vụ tranh chấp bất động sản lớn nhất miền Trung của gần 1.000 khách hàng tại 3 dự án mà Công ty CP Bách Đạt An làm chủ đầu tư, tổng số tiền khách hàng mua đất đã nộp cho Công ty Cổ phần Đầu tư Hoàng Nhất Nam (đơn vị phân phối) khoảng 555 tỷ đồng, công ty này nộp lại cho Bách Đạt An (chủ đầu tư) 282 tỉ đồng. Sau đó, hai công ty xảy ra tranh chấp, dẫn đến gần 1.000 khách hàng không nhận được sổ đỏ như cam kết trong suốt 8 năm qua.
Tại Đà Nẵng, câu chuyện huy động vốn của Homeland Group cũng là một bài học cho giới đầu tư. Theo đó, công ty này nhận đặt suất đầu tư 500 triệu/vị trí số thứ tự cho dự án mới tại Đà Nẵng (nhận ngay chiết khấu 3%, hỗ trợ lãi suất 0,02%/ngày) và không ít nhà đầu tư đã “sa chân”.
Hay trường hợp công ty Quảng Đà. Theo đó, dù dự án mang tên “Khu dân cư Nam Cẩm Lệ” của Công ty Quảng Đà là không có thật, diện tích đất được Công ty Quảng Đà đặt tên “Khu dân cư Nam Cẩm Lệ” và 121 lô đất mặt tiền đường Đô Đốc Lân vẫn do Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố Đà Nẵng quản lý, không giao cho bất cứ tổ chức, cá nhân nào để thực hiện đầu tư dự án bán đất nền. Tuy nhiên, lãnh đạo công ty này đã lừa đảo, chiếm đoạt của 192 bị hại với tổng số tiền hơn 103 tỷ đồng và phải nhận mức án chung thân về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Từ các câu chuyện nêu trên, có thể thấy rất nhiều doanh nghiệp “tay không bắt giặc”, chiếm chỗ “xí phần” những mảnh đất đắc địa hoặc chi mạnh cho truyền thông để làm đẹp thương hiệu sau đó chiếm dụng vốn, thu tiền của người dân nhưng không hoàn thiện dự án, hoặc bán đất “vịt trời”. Và các khách hàng, nhà đầu tư vì những lời hứa hẹn, ham lợi phần lớn đều rước họa vào thân.
Phương Nam (t/h)
Nguồn tin bài: