Theo dự báo, giai đoạn 2025-2030, nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực này dự kiến sẽ tăng 74%.
Ngành mới có học phí từ 20 triệu đồng/năm
Học viện Tài chính trong năm nay mở rộng chương trình đào tạo với 14 ngành học mới, trong đó có 9 chương trình theo định hướng chứng chỉ quốc tế nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo chuyên sâu theo tiêu chuẩn toàn cầu.
Bên cạnh đó, 5 chương trình chuẩn mới cũng được triển khai, tập trung vào các lĩnh vực đang được quan tâm như Khoa học dữ liệu trong tài chính, Trí tuệ nhân tạo trong tài chính – kế toán, Kinh tế chính trị – tài chính, Luật và Toán tài chính. Trong thời đại 4.0, ngành mới về Trí tuệ nhân tạo lập tức thu hút nhiều sự chú ý.
Mức học phí được quy định tùy theo chương trình đào tạo. Cụ thể, chương trình chuẩn có mức học phí từ 20 đến 28 triệu đồng mỗi năm, chương trình định hướng chứng chỉ quốc tế dao động từ 50 đến 55 triệu đồng/năm, trong khi chương trình liên kết quốc tế có mức học phí từ 60 đến 75 triệu đồng/năm. Đối với chương trình liên kết với Anh, học phí trong khoảng 70-75 triệu đồng/năm, còn chương trình liên kết với Pháp dao động từ 60-70 triệu đồng/năm.
“Khát” nhân lực số lượng lớn, thu nhập hứa hẹn
Trong bối cảnh trí tuệ nhân tạo (AI) ngày càng phát triển mạnh mẽ, ngành này đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng các hệ thống thông minh dựa trên mô hình máy tính, công nghệ và thuật toán hiện đại. AI giúp máy móc có thể thực hiện những tác vụ đòi hỏi tư duy và phân tích như con người.
Theo Báo cáo “Cơ hội AI cho Việt Nam – Một số khuyến nghị” do Google công bố, Việt Nam hiện đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt chuyên gia AI, khi số lượng chuyên gia trong lĩnh vực này chỉ khoảng 300 người.
Ông Đỗ Thanh Bình, Giám đốc hợp tác quốc tế của Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA), chia sẻ rằng lực lượng lao động trong ngành công nghệ thông tin tại Việt Nam vào khoảng 1,5 triệu người, trong đó có khoảng 500.000 kỹ sư được đào tạo bài bản.
Dự báo trong giai đoạn 2024-2025, Việt Nam sẽ thiếu từ 150.000 đến 200.000 nhân lực công nghệ thông tin mỗi năm, đặc biệt là các chuyên gia về AI, Big Data, lập trình viên Full-stack và an ninh mạng.
Giai đoạn 2025-2030, nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực AI dự kiến sẽ tăng 74%, số lượng chuyên gia an ninh mạng cần bổ sung khoảng 20.000 người/năm, trong khi nhân sự liên quan đến công nghệ Blockchain có thể tăng 30% mỗi năm.

Những số liệu trên cho thấy tầm quan trọng của việc phát triển nguồn nhân lực AI tại Việt Nam, nhằm đảm bảo đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của thị trường và các dự án công nghệ trong tương lai.
Theo báo cáo thị trường công nghệ thông tin (IT) Việt Nam năm 2022 do TopDev công bố, nhu cầu tuyển dụng trong lĩnh vực IT đang diễn ra sôi động.
Mức lương của lập trình viên hiện dao động trong khoảng 350 – 1.190 USD/tháng (tương đương 8 – 29 triệu đồng), tùy theo kinh nghiệm và vị trí công việc. Đối với những nhân sự có nhiều năm kinh nghiệm, mức thu nhập trung bình có thể đạt từ 860 – 1.510 USD/tháng (khoảng 21 – 37 triệu đồng).
Đặc biệt, trong lĩnh vực Robot và Trí tuệ nhân tạo (AI), mức lương dành cho chuyên gia có thể lên tới 10.000 USD/tháng (tương đương 249 triệu đồng) hoặc thậm chí cao hơn. Tuy nhiên, đây chỉ là con số dành cho số ít chuyên gia hàng đầu. Trên thực tế, mức thu nhập trung bình của kỹ sư AI tại Việt Nam vào khoảng 4.000 – 5.000 USD/tháng (tương đương 99 – 124 triệu đồng). Dù mức lương hấp dẫn, nhưng nhân lực trong ngành này vẫn còn rất khan hiếm.
Phương án tuyển sinh đại học năm 2025 của Học viện Tài chính
Học viện Tài chính vừa công bố phương án tuyển sinh đại học năm 2025 với bốn phương thức xét tuyển chính, tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh theo nhiều diện khác nhau.
1. Xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
2. Xét tuyển thí sinh có năng lực vượt trội, áp dụng cho những thí sinh tốt nghiệp THPT trên toàn quốc, có điểm trung bình cộng (TBC) kết quả học tập ba năm THPT và đáp ứng một trong các điều kiện sau:
Đạt giải Khuyến khích trở lên trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, quốc tế do Bộ GD&ĐT tổ chức ở các môn: Toán, Vật lý, Hóa học, Tin học, Tiếng Anh, Ngữ văn.
Đạt giải Nhất, Nhì trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương ở các môn nêu trên.
Sở hữu chứng chỉ IELTS Academic từ 7.0 hoặc TOEFL iBT từ 95 điểm (không tính Home Edition) hoặc SAT từ 1.450 điểm trở lên.
Nguyên tắc xét tuyển: Điểm xét tuyển (ĐXT) của thí sinh được tính theo công thức:
ĐXT = 30 + (TBC điểm học tập lớp 10, 11, 12)/3.
Điểm xét tuyển được làm tròn đến hai chữ số thập phân. Trường hợp nhiều thí sinh có cùng mức điểm ở vị trí cuối cùng, tiêu chí phụ là điểm trung bình lớp 12, xét từ cao xuống thấp.

3. Xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025, áp dụng theo quy định chung của Bộ GD&ĐT.
Đối với chương trình định hướng chứng chỉ quốc tế hoặc ngành Ngôn ngữ Anh (chương trình chuẩn), xét tuyển theo tổ hợp A01, D01, D07 (môn tiếng Anh nhân hệ số 2).
Các ngành còn lại xét theo tổ hợp A00, A01, D01, D07 (môn Toán nhân hệ số 2).
Thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế có thể quy đổi sang thang điểm 10 để thay thế điểm môn tiếng Anh trong kỳ thi tốt nghiệp nếu điểm quy đổi cao hơn.
Nếu nhiều thí sinh có điểm xét tuyển ngang nhau, tiêu chí phụ là điểm môn Toán.
4. Xét tuyển kết hợp, tính theo công thức:
ĐXT = Điểm môn 1 (nhân hệ số 2) + Điểm môn 2 + Điểm môn 3.
Điểm môn 1: Tiếng Anh (đối với chương trình định hướng chứng chỉ quốc tế hoặc ngành Ngôn ngữ Anh chương trình chuẩn) hoặc Toán (đối với các ngành còn lại).
Điểm môn 2: Một trong các môn Lý, Hóa, Văn hoặc Toán (nếu điểm môn 1 là tiếng Anh) hoặc Tiếng Anh (nếu điểm môn 1 là Toán).
Điểm môn 3: Trung bình cộng điểm học tập lớp 10, 11, 12 đạt từ 8.0 trở lên.
Nếu nhiều thí sinh có cùng điểm xét tuyển, tiêu chí phụ là điểm môn 1.
Với các phương thức xét tuyển đa dạng, Học viện Tài chính mang đến nhiều cơ hội cho thí sinh, đồng thời đảm bảo chất lượng đầu vào theo tiêu chuẩn cao.
Đời sống pháp luật