Trong những năm qua, khu vực kinh tế tư nhân (KTTN) đã có đóng góp to lớn vào sự phát triển của đất nước. Đảng, Chính phủ đã và đang đề cao vai trò của kinh tế tư nhân như là động lực góp phần quan trọng trong tăng trưởng kinh tế.
Thường trực Chính phủ cũng đã chỉ đạo về việc yêu cầu các doanh nghiệp, doanh nhân cần kế thừa, phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần trách nhiệm với dân tộc, đóng góp tích cực hơn nữa trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.
Xoay quanh những đóng góp, hiến kế của các doanh nhân, các Tập đoàn, doanh nghiệp tư nhân (DNTN) cho sự phát triển của KTTN nói riêng và nền kinh tế – xã hội của đất nước nói chung, Phóng viên Báo Điện tử Chính phủ đã có cuộc phỏng vấn ông Don Lam – Tổng Giám Đốc và Cổ đông sáng lập Tập đoàn VinaCapital (một trong những tập đoàn quản lý đầu tư hàng đầu tại Việt Nam).
Ông Don Lam – Tổng Giám Đốc và Cổ đông sáng lập Tập đoàn VinaCapital – Ảnh: VGP/Minh Thi
Phát triển KTTN: Hướng đi chiến lược để Việt Nam vươn tầm thế giới
Hơn 30 năm ở Việt Nam, ông nhận xét thế nào về sự chuyển mình của nền kinh tế? Theo ông, Việt Nam nên tập trung vào những chiến lược vượt trội nào và cụ thể hơn là lĩnh vực gì để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội?
Ông Don Lam: Hơn ba thập kỷ sống và làm việc tại Việt Nam, tôi chứng kiến một sự chuyển mình phi thường: Từ một nền kinh tế nông nghiệp truyền thống trở thành một điểm sáng về sản xuất, dịch vụ và công nghệ tại châu Á.
Sự vươn mình ngoạn mục này đạt được nhờ cam kết mạnh mẽ của Chính phủ trong việc thực hiện các cải cách kinh tế nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Cam kết đó vẫn tiếp tục và vẫn còn nhiều việc phải làm để đạt được mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao trong 25 năm tới.
Đặc biệt, thời gian gần đây, Chính phủ Việt Nam đã đề cao vai trò của nền KTTN. Điều này sẽ tạo ra một cú hích mạnh mẽ để nền kinh tế bứt phá, bởi khu vực KTTN đóng góp khoảng 51% GDP, khoảng 30% nguồn thu ngân sách nhà nước, thu hút khoảng 85% lực lượng lao động và là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế. Do đó, việc phát triển hơn nữa khu vực doanh nghiệp tư nhân sẽ là đòn bẩy cho sự chuyển đổi kinh tế và nâng cao khả năng cạnh tranh của Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Tuy nhiên, để duy trì đà tăng trưởng và vượt qua bẫy thu nhập trung bình, Việt Nam cần tập trung vào những lĩnh vực như công nghệ bán dẫn, AI, năng lượng tái tạo, dịch vụ số, nông nghiệp công nghệ cao và logistics thông minh. Đây là những ngành có thể chuyển từ mô hình dựa trên nhân công giá rẻ sang phát triển các ngành có giá trị gia tăng cao. Thực hiện nhanh, tốt điều này không chỉ có tiềm năng lớn, mà còn là mũi nhọn giúp Việt Nam bứt phá trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Theo đánh giá của ông, KTTN có vai trò to lớn trong tiến trình phát triển của quốc gia. Vậy để KTTN “cất cánh”, đâu là những “nút thắt” cần tháo gỡ?
Ông Don Lam: KTTN không chỉ là một trụ cột mà còn là động lực tăng trưởng then chốt của Việt Nam trong tương lai.
Chính phủ Việt Nam đã đặt mục tiêu năm 2025 là năm tăng tốc, bứt phá. Cụ thể phấn đấu tăng trưởng GDP đạt trên 8%, tạo đà để những năm tiếp theo tăng trưởng 2 con số. Chính vì vậy, vai trò của khối KTTN lại càng quan trọng với quá trình thực hiện mục tiêu này.
Tuy nhiên, hiện nay khu vực KTTN có một điểm yếu cố hữu là sự phân tán và thiếu liên kết ngành, khiến các DN nhỏ và vừa khó hình thành chuỗi giá trị bền vững. Trong khi đó, các DN lớn hoặc khối FDI thường có ưu thế vượt trội về nguồn lực và công nghệ. Đồng thời, khối DNTN vẫn gặp phải những rào cản trong tiếp cận vốn, tài nguyên, công nghệ và hạ tầng hỗ trợ.
Do đó, bên cạnh việc nhanh chóng hoàn thiện các chính sách, tháo gỡ cơ chế xóa bỏ rào cản, giải phóng năng lực để thúc đẩy đột phá cho thành phần kinh tế quan trọng này, Việt Nam cần có chính sách thúc đẩy liên kết ngang giữa các DN nội địa, tạo ra cụm ngành hợp tác để cùng chia sẻ công nghệ, nhân lực và thị trường – từ đó nâng cao sức cạnh tranh nội tại, thay vì quá phụ thuộc vào các “cánh chim đầu đàn” nước ngoài.
VinaCapital sẽ ra mắt quỹ đầu tư công nghệ mới, tập trung vào các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, blockchain, nông nghiệp số – Ảnh: VGP/Minh Thi
Đồng hành với tầm nhìn chiến lược của Chính phủ trong việc thúc đẩy kinh tế số
Chính phủ đang thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt để tạo đột phá trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Ông đánh giá thế nào về hiệu quả của những chính sách này?
Ông Don Lam: Tôi đánh giá rất cao tầm nhìn dài hạn của Chính phủ khi ban hành các chính sách đặc thù nhằm thúc đẩy khoa học công nghệ và chuyển đổi số. Đây là bước đi chiến lược để tạo ra một nền kinh tế tri thức, giảm phụ thuộc vào tài nguyên và lao động phổ thông. Theo đó, điều then chốt là Việt Nam phải coi khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là động lực chủ chốt.
Những chính sách đang dần hình thành một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo – nơi Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, DN giữ vai trò trung tâm, còn giới học thuật và đầu tư tư nhân là các lực đẩy quan trọng. Nếu được triển khai hiệu quả, đây sẽ là bàn đạp giúp Việt Nam đạt mục tiêu kinh tế số chiếm 30% GDP vào năm 2030 và xây dựng năng lực công nghệ tự chủ, như tinh thần được đề ra trong Nghị quyết 57.
VinaCapital hiện đang là một trong những tập đoàn tư nhân hàng đầu đầu tư vào các công ty Việt Nam, mang đến nguồn vốn phát triển dài hạn giúp các doanh nghiệp trong nước đầu tư vào thiết bị công nghệ hiện đại, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh và góp phần vào sự phát triển kinh tế của đất nước. Để đồng hành cùng Chính phủ trong việc hỗ trợ DNTN Việt Nam phát triển, đặc biệt là đổi mới sáng tạo và mở rộng quy mô sản xuất, các quỹ đầu tư như VinaCapital đóng vai trò gì, thưa ông?
Ông Don Lam: Là một trong những quỹ đầu tư tiên phong tại Việt Nam, VinaCapital không chỉ cung cấp vốn, mà còn đồng hành cùng DN trong việc nâng cao năng lực quản trị, xây dựng chiến lược dài hạn, thực hiện chuyển đổi số và áp dụng các tiêu chuẩn phát triển bền vững về mặt môi trường, xã hội và quản trị (ESG). Đầu tư không chỉ đơn thuần là tài chính – mà còn là quá trình tạo dựng nội lực và nâng cao giá trị DN để đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường vốn quốc tế và thu hút các nhà đầu tư lớn, xây dựng thương hiệu uy tín, đảm bảo sức cạnh tranh trong dài hạn.
Chúng tôi đặc biệt quan tâm đến các DN nội địa có định hướng công nghệ, tiềm năng đổi mới sáng tạo, và cam kết phát triển bền vững – vì đây chính là những nhân tố có thể đóng vai trò dẫn dắt trong nền kinh tế mới của Việt Nam.
Bằng cách đầu tư và đồng hành cùng các DN hàng đầu trong nước, VinaCapital đóng vai trò tích cực trong việc hỗ trợ mục tiêu của Chính phủ nhằm đưa khu vực KTTN lên tầm quốc tế, thu hút thêm đầu tư và củng cố vị thế của Việt Nam.
Với xu thế chuyển đổi số và phát triển kinh tế số hiện nay, VinaCapital có điều chỉnh chiến lược đầu tư để phù hợp với tầm nhìn dài hạn của Chính phủ không?
Ông Don Lam: Chúng tôi hoàn toàn đồng hành với tầm nhìn chiến lược của Chính phủ trong việc thúc đẩy kinh tế số. VinaCapital đã sớm đầu tư vào các công ty công nghệ, và tới đây sẽ tiếp tục ra mắt quỹ đầu tư công nghệ mới, tập trung vào các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, blockchain, nông nghiệp số, fintech, y tế số, năng lượng sạch và logistics thông minh.
Đây không chỉ là chiến lược đầu tư mà còn là cam kết dài hạn của chúng tôi trong việc hỗ trợ Việt Nam xây dựng nền tảng cho một hệ sinh thái công nghệ độc lập, sáng tạo và hội nhập sâu rộng.
Nghị quyết 57 đã vạch ra con đường rõ ràng, và chúng tôi tin rằng nếu thực hiện tốt, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo của khu vực trong vài thập niên tới.
Theo Baochinhphu.vn
Nguồn tin bài: