Báo cáo của S&P Global về Chỉ số nhà quản trị mua hàng Việt Nam (PMI Việt Nam) vượt ngưỡng 50 điểm cho thấy triển vọng phát triển trong bối cảnh kinh tế thế giới nhiều rủi ro trước các cuộc khủng hoảng địa chính trị trên thế giới và thuế quan của Mỹ.
Ngành sát xuất có điểm tích cực
Theo báo cáo mới nhất vừa công bố ngày 1/4 của S&P Global (công ty tài chính đa quốc gia của Mỹ, chuyên cung cấp dữ liệu tài chính, xếp hạng tín nhiệm, phân tích thị trường và nghiên cứu kinh tế) về lĩnh vực sản xuất, dịch vụ của Việt Nam, Chỉ số nhà quản trị mua hàng Việt Nam tháng 3/2025 đã vượt 50 điểm. Đây là mức tăng lần đầu tiên trong thời gian bốn tháng trước đó, báo hiệu sự cải thiện các điều kiện kinh doanh vào thời điểm cuối quý 1 của năm 2025. Với kết quả 50,5 điểm, chỉ số PMI đã tăng so với 49,2 điểm của tháng 2, cho thấy sức khỏe ngành sản xuất đã mạnh lên một chút.
Sản lượng ngành sản xuất đã tăng lần đầu trong ba tháng trong tháng 3, và mức độ tăng là lớn nhất kể từ tháng 8 năm ngoái. Kết quả từ những người trả lời khảo sát cho thấy sự gia tăng sản lượng một phần phản ánh sự cải thiện về mức độ sẵn có của hàng hóa, đồng thời cũng phản ánh sự gia tăng trở lại của số lượng đơn đặt hàng mới sau chuỗi hai tháng giảm.
Theo S&P Global, dố lượng đơn đặt hàng mới tăng khi có các dấu hiệu cải thiện nhu cầu khách hàng, nhưng mức tăng chỉ là nhẹ trong bối cảnh nhu cầu quốc tế đang tiếp tục suy yếu. Trên thực tế, số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới đã giảm đáng kể và với tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 7/2023. Số lượng đơn đặt hàng mới từ nước ngoài đến nay đã giảm năm tháng liên tiếp. Một số thành viên nhóm khảo sát báo cáo số lượng đơn đặt hàng từ Trung Quốc Đại lục đã giảm. Trong khi sản lượng và tổng số lượng đơn đặt hàng mới tăng trở lại, các công ty vẫn kém tự tin hơn một chút vào triển vọng sản lượng trong năm tới so với tháng 2. Tâm lý kinh doanh vẫn lạc quan khi số lượng đơn đặt hàng mới tăng và với những hy vọng tình hình nhu cầu sẽ ổn định, nhưng mức độ lạc quan vẫn ở dưới mức trung bình của lịch sử chỉ số.
Thận trọng trước bất ổn
Mặc dù có điểm tích cực trong triển vọng ngành sản xuất, S&P Globa cũng lưu ý, các nhà sản xuất trong nước tỏ ra thận trọng trong hoạt động tuyển dụng và hoạt động mua hàng trong tháng 3. Số lượng nhân công giảm tháng thứ sáu liên tiếp, nguyên nhân được cho là do thời kỳ giảm nhu cầu gần đây và tình trạng nhân viên nghỉ việc. Tuy nhiên, mức độ giảm số lượng nhân công là nhẹ nhất từ đầu 2025 đến thời điểm khảo sát.
Trong khi đó, hoạt động mua hàng đã giảm lần đầu trong bốn tháng khi các công ty cho rằng thời kỳ mua hàng hóa đầu vào gần đây đã giúp có đủ hàng hóa lưu kho để hỗ trợ nhu cầu sản xuất. Kết quả là, tồn kho hàng mua đã giảm, mặc dù mức giảm là ít đáng kể nhất kể từ tháng 8 năm ngoái. Tồn kho hàng thành phẩm cũng giảm khi có một số báo cáo cho biết các công ty ngần ngại trong việc tích trữ quá nhiều hàng tồn kho.
Báo cáo cho thấy, một số mặt hàng nhập khẩu tăng giá khiến giá đầu vào tiếp tục tăng trong tháng 3, nhu cầu hàng hóa đầu vào giảm đã khiến một số nhà cung cấp giảm giá bán. Về tổng thể, chi phí đầu vào chỉ tăng nhẹ, và tốc độ tăng là chậm nhất trong thời kỳ tăng giá kéo dài 20 tháng hiện nay. Trong khi đó, nỗ lực duy trì khả năng cạnh tranh đã khiến các nhà sản xuất ở Việt Nam phải giảm giá bán hàng tháng thứ ba liên tiếp, nhưng mức giảm khá nhẹ.
Khảo sát Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng – Purchasing Managers’ Index (PMI) do S&P Global thực hiện cho 40 quốc gia và cả cho các khu vực chủ chốt kể cả khu vực đồng Euro. Đây là những cuộc khảo sát kinh doanh được theo dõi nhiều nhất trên thế giới, được sự ủng hộ của các ngân hàng trung ương, thị trường tài chính và các nhà hoạch định chính sách kinh doanh vì khả năng cung cấp những chỉ báo cập nhật, chính xác và độc đáo về các xu hướng kinh tế.
Hoàng Anh (t/h)
Nguồn tin bài: