Dù kết quả kinh doanh đi xuống trong năm 2024, nhưng Tổng giám đốc Chứng khoán VNDirect lại nhận lượng thưởng thuộc hàng cao nhất trong nhóm công ty chứng khoán.

10 công ty chứng khoán đứng đầu thị phần môi giới cổ phiếu trên sàn HoSE trong năm qua gồm 2024 gồm VPS, SSI, TCBS, Vietcap, HSC, MBS, VNDirect, Mirae Asset (Việt Nam), KIS Việt Nam và FPTS. Đa phần các công ty chứng khoán đều công bố lương và thu lao của các cán bộ cấp cao trong công ty. Một số bên không công bố chi tiết nhưng cũng gộp chung lương và thù lao của ban điều hành và cho thấy được bức tranh chung của ngành.
Đáng chú ý, Chứng khoán VPS là đơn vị duy nhất trong top 10 thị phần môi giới không công bố khoản mục này.
Trong bối cảnh ngành chứng khoán luôn chuyển động nhanh và cạnh tranh khốc liệt, thông tin về thu nhập của các lãnh đạo cấp cao luôn thu hút sự chú ý từ giới đầu tư và công chúng. Dữ liệu ghi nhận lương, thưởng của Chủ tịch Hội đồng Quản trị và CEO tại một số công ty chứng khoán trong năm 2023 và 2024 không chỉ phản ánh chính sách đãi ngộ mà còn cho thấy chiến lược phát triển của từng doanh nghiệp.
Điểm nổi bật nhất đó là ông Nguyễn Vũ Long – Tổng giám đốc của VNDirect, người đã ghi nhận mức thu nhập cao nhất và cũng có sự tăng trưởng mạnh mẽ so với năm 2023. Ông Long được VNDirect trả hơn 10,8 tỷ đồng tiền lương thưởng trong năm 2024 cùng với đó, ông Long cũng được nhận thêm 192 triệu tiền thù lao. Tổng tiền lương thưởng và thu lao ông Long nhận được là hơn 11 tỷ đồng trong năm 2024, tương đương mức gần 920 triệu đồng/tháng. Mức lương thưởng này cao hơn đến 45% so với hơn 7,6 tỷ đồng của năm 2023.
Trong khi đó, bà Phạm Minh Hương – Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty lại chỉ nhận tổng cộng gần 5 tỷ đồng tiền lương thưởng và thu lao trong năm 2024, cao hơn 18% so với 2023. Việc lương thưởng của hai nhân vật chủ chốt trong VNDirect tăng mạnh trong bối cảnh công ty chứng khoán này có một năm kinh doanh không mấy tích cực. VNDirect ghi nhận doanh thu hoạt động giảm gần 20%, ở mức 5.300 tỷ đồng. Công ty lãi sau thuế hơn 1.718 tỷ đồng, giảm 15%.
Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) năm 2024 đạt lợi nhuận trước thuế 1.239 tỷ đồng, tăng 81%, vượt 20% kế hoạch năm được Đại hội cổ đông đề ra. Kết quả này đưa SHS vươn lên vị trí thứ 6 toàn ngành về lợi nhuận trước thuế. Với những gì đạt được, ông Nguyễn Chí Thành – Tổng giám đốc công ty nhận về 8,7 tỷ đồng tiền lương thưởng trong năm 2024, tăng 95% so với năm trước đó. Chủ tịch Đỗ Quang Vinh cũng nhận về gần 3,7 tỷ đồng, tăng 80%.

Lương thưởng và thù lao của một số lãnh đạo công ty chứng khoán
Ở Chứng khoán Vietcap (VCI), bà Nguyễn Thanh Phượng – Chủ tịch Hội đồng quản trị duy trì nhiều năm làm việc không nhận lương thưởng và thù lao. Ông Tô Hải – Tổng giám đốc nhận lương gần 5,8 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức chỉ 2,7 tỷ đồng của năm 2023. Năm 2024, doanh thu hoạt động 3.695 tỷ đồng, tăng 49,5% so với 2023, vượt 47% kế hoạch, lợi nhuận trước thuế 1.089 tỷ đồng, tăng 91%, vượt 55,6%. Các khoản cho vay margin đạt 11.222 tỷ đồng vào cuối năm 2024, tăng 40% so với cuối năm 2023.
Một trường hợp khác cũng không nhận lương đó là ông Nguyễn Văn Dũng – Chủ tịch HĐQT Chứng khoán FPT (FPTS). Trong khi đó, Tổng giám đốc Nguyễn Điệp Tùng cũng chỉ nhận về 886 triệu đồng trong năm 2024.
Tại một số doanh nghiệp như Chứng khoán SSI, mức lương của Chủ tịch Nguyễn Duy Hưng được duy trì ổn định với con số xấp xỉ 7 đồng năm 2024. Cùng đó, Tổng giám đốc Nguyễn Hồng Nam cũng duy trì ở mức hơn 6,34 tỷ đồng (không thay đổi đáng kể so với năm 2023) cho thấy chính sách trả lương khá ổn định.
Trong khi một số công ty tách bạch chi tiết các khoản như lương cơ bản, thưởng, và phụ cấp, thì một số khác lại chỉ đưa ra con số tổng hợp. Chứng khoán KIS Việt Nam ghi nhận mức thù lao cho Tổng giám đốc, Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát ở mức gần 26,9 tỷ đồng, tăng 36% so với năm 2023. Đáng chú ý, năm 2023, lương, thưởng và phụ cấp của tổng giám đốc Park Won Sang là 14,2 tỷ đồng. Trong khi đó, cả Hội đồng quản trị KIS Việt Nam năm 2023 chỉ nhận về thù lao 5,5 tỷ đồng. Hiện tại, ông Park Won Sang không còn là Tổng giám đốc công ty này.