Với tính chất nhẹ, bền, rẻ, dễ sử dụng mặt hàng này ngày càng trở lên thịnh hành, được ưa chuộng.
Kinh doanh đồ ăn tại nhà, chị Trần Thu Hà (37 tuổi tại Hà Đông, Hà Nội) cho biết mỗi ngày chị phải dùng tới hàng trăm hộp xốp đựng thức ăn. Theo chị Hà hộp xốp đựng thức ăn không chỉ giữ nhiệt mà còn tiện lợi, sạch sẽ do chỉ dùng một lần, giá rẻ.
Chị Hà cho hay, từ khi dịch vụ giao hàng phát triển, việc kinh doanh của gia đình chị cũng trở nên tốt hơn. Đặc biệt, việc dùng hộp xốp giúp chị đóng gói thức ăn cũng nhanh chóng, giao kịp đơn cho khách.
Qua trao đổi với chị Hà, thì chị chỉ thấy được mặt tốt, tiện lợi của những chiếc hộp xốp đựng thức ăn mà không biết được mặt hại tới môi trường và sức khoẻ.
Không chỉ có chị Hà mà rất nhiều người tiêu dùng hiện nay chưa nhận thức về mặt trái của những hộp xốp đựng thức ăn.

Hộp xốp đựng thức ăn ngày càng trở nên phổ biến.
Nguy cơ từ đồ xốp
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, chuyên gia Công nghệ thực phẩm, cho biết hộp xốp làm từ chất liệu polystyrene (hay nhựa PS). Đây là một loại chất dẻo ở dạng làm xốp được đúc khuôn thành nhiều hình dạng tuỳ theo nhu cầu sử dụng.
Ví như, polystyrene thường được dùng làm thành các hộp xốp bảo quản đông lạnh thực phẩm (thịt, cá, hải sản). Hoặc hình dạng được tiêu dùng rất nhiều hiện nay là các hộp đựng thức ăn như xôi, cơm, bún, bánh…
PGS Thịnh cho biết, polystyrene (hộp xốp) nhìn chung là một chất dẻo tương đối an toàn. Nếu dùng polystyrene nguyên khai sẽ không gây hại. Nhưng trong thực tế hộp xốp hiện nay nếu được thu gom tái chế để dùng lại sẽ bị phân giải thành các chất gây hại cho con người. Đặc biệt, chất được sinh ra này có cấu trúc hơi giống hoóc-môn nữ, do đó khi ăn vào cơ thể sẽ làm tăng nguy cơ mắc ung thư tử cung và ung thư vú ở phụ nữ.
Polystyrene nguyên khai không gây hại cho sức khoẻ. Tuy nhiên, polystyrene khi thải ra môi trường sẽ gây ô nhiễm rất cao.
“Thực tế, bao nilon có thể thu hồi, tái chế thành loại bao bì khác, nhưng vật liệu xốp không tái chế được. Hơn nữa, những mảnh xốp vụn không được thu gom và xử lý thậm chí còn nguy hại hơn cả túi nilon. Việc chôn lấp xử lý xốp khiến cho đất trở nên thoái hoá do [xốp] không phân huỷ. Việc đốt xốp sinh ra chất độc hại. Trường hợp những miếng xốp trôi xuống dòng nước, ra sông, biển sẽ gây nguy cơ ô nhiễm môi trường rất lớn đồng thời tai hại với các loài thủy sản”, ông Thịnh nói.
Việc xử lý rác thải từ xốp hiện nay chủ yếu là chôn lấp hoặc đốt sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp đến không khí và môi trường nước, đất. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp nên sức khoẻ của con người.
Thay đổi ý thức trong tiêu dùng
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh nêu quan điểm, các hộp xốp rất tiện lợi, giá rẻ và có thể đúc khuôn thành các hộp lớn nên được sử dụng rộng rãi. Nhưng khi sử dụng tràn lan và không có ý thức thì sẽ gây ra ô nhiễm môi trường rất lớn.
Thế giới cũng đang nghiên cứu vật liệu để thay thế polystyrene, tuy nhiên sẽ mất thời gian rất dài. Cho nên con người vẫn sẽ phải dùng vật liệu xốp.
PGS Thịnh nhận định, với mức tiêu dùng vật liệu xốp như hiện nay, nếu người dân không được hướng dẫn cụ thể cách xử lý rác thải từ xốp thì gánh nặng ô nhiễm môi trường sẽ là rất lớn.
Việc thay đổi thói quen là điều không dễ, nhất là khi các loại hộp xốp, hiện có giá rẻ, đang được sử dụng hằng ngày. Tuy nhiên, với những tác hại của xốp, đã đến lúc mọi người cần kiên quyết thay đổi thói quen có hại đó để bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình.
Theo vị chuyên gia, để bảo vệ môi trường và cuộc sống thì việc tuyên truyền sâu rộng để người dân nhận thức rõ nguy cơ khi sử dụng vật liệu xốp là quan trọng nhất. Các gia đình nên ưu tiên sử dụng vật dụng từ sứ, thuỷ tinh hoặc các vật liệu thân thiện với môi trường.